Vấn đề nhân lực cho phát triển CNTT ở Việt Nam
Hội thảo mùa hè 2000 về " Xây dựng và phát triển ngành Công nghệ thông tin và công nghiệp phần mềm Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hoá "


New York, 10-11/07/2000

Ngô Trung Việt

Viện Công nghệ Thông tin - Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia

Email: vietnt@itprog.gov.vn

Nguyễn Kim Ánh

Trung tâm huấn luyện CNTT - Bộ khoa học Công nghệ và Môi trường

Email: anhnk@itprog.gov.vn

Nguyễn Chí Quang

Công ti ITE - Tổng công ti than Việt Nam

Email: ite@hn.vnn.vn
 
 
 
 

Tóm tắt

Xã hội phát triển dựa trên c sở tiến bộ khoa học công nghệ đưa vào những sản phẩm mới, công cụ lao động mới, từ đó hình thành nên hai loại người: người sản xuất ra công cụ lao động, thường tập trung trong một ngành công nghiệp nào đó, và người sử dụng công cụ lao động, thường là toàn xã hội. Xã hội thông tin dựa trên việc sản xuất và sử dụng rất nhiều phần mềm máy tính trên qui mô toàn cầu, do đó để nói tới việc phát triển công nghiệp phần mềm, không thể không đề cập tới sự phát triển cân xứng giữa hai loại người này trong xã hội. Trên cơ sở phân tích tình hình thực tế của Việt Nam hiện nay, đặc biệt là về hai loại người này: người làm ra phần mềm và người sử dụng phần mềm, bài báo đề cập tới việc phải có chiến lược phát triển song song cả lực lượng làm phần mềm lẫn lực lượng sử dụng phần mềm. Kết luận chính được rút ra từ xem xét này là ở chỗ chúng ta không thể phát triển ngành công nghiệp phần mềm chỉ bằng việc phát triển lực lượng làm ra sản phẩm phần mềm. Lực lượng sản xuất này sẽ không thể phát triển mạnh và đem lại hiệu qủa cho nền kinh tế nếu lực lượng người sử dụng phần mềm không được phát triển cân xứng về trình độ lẫn qui mô, thậm chí còn phải đi trước một bước theo nghĩa nào đó.

Ngoài ra, một số quan niệm về công nghiệp phần mềm, kĩ nghệ phần mềm, công nghệ phần mềm, kĩ thuật phần mềm cũng được trình bầy trong bài báo để thống nhất cách hiểu chung về những vấn đề này.
 
 
 

1. Bối cảnh chung

Sự phát triển của xã hội đi theo hướng các tiến bộ kĩ thuật công nghệ tạo ra những công cụ làm việc mới, từ đó dẫn tới biến đổi trong cách thức con người lao động, làm việc và tương tác với nhau, đẩy các mối quan hệ xã hội lên bình diện mới. Ban đầu là phát minh ra công cụ và phương pháp làm việc mới. Sau đó là phát triển của việc sử dụng rộng rãi công cụ và phương tiện đó. Tương ứng với điều này là hai nhóm người được hình thành trong xã hội: nhóm nhỏ chuyên chế tạo ra công cụ mới và nhóm đa số người dùng một cách sáng tạo các công cụ đó trong công việc của mình.

Ba yếu tố quan trọng của tiến trình này là:

  • khoa học và công nghệ phát minh ra công cụ và cách làm việc mới
  • công nghệ làm phổ cập công cụ và phương pháp làm việc mới cho mọi người, và
  • xã hội triển khai sử dụng đại trà công cụ và phương pháp làm việc mới trong mọi hoạt động kinh tế quản lí.
  • Máy tính điện tử xử lí thông tin là phát minh vĩ đại của con người thế kỉ 20. Nền công nghệ của thế giới cùng với những tiến bộ kĩ thuật và công nghệ đã làm cho máy tính thành phổ cập cho mọi người trong xã hội. Nhưng cũng từ đây, chỉ một số ít các công ti lớn trên thế giới, với tiềm lực lớn về tài chính cũng như tri thức, mới có khả năng bao quát và tham gia vào việc phát triển các sản phẩm chính cho công nghệ thông tin.

    Đồng thời cách làm việc mới có dùng máy tính trong xử lí thông tin đã làm thay đổi cơ bản xã hội con người. Cho tới nay, tất cả các nước trên thế giới đều được thụ hưởng ích lợi mà phát minh lớn lao này đem lại. Xu thế kinh tế toàn cầu làm cho mọi thành tựu tiến bộ công nghệ mới thành phổ cập cho mọi nước trên thế giới.

    Vấn đề còn lại là chỉ những nước nào có ý thức triển khai sử dụng hữu hiệu công cụ và phương pháp làm việc mới này trên qui mô toàn xã hội thì mới tạo ra được những thay đổi cơ bản và bước vào kỉ nguyên thông tin. Và để làm được điều này, con người trong xã hội phải được đào tạo lại, không những chỉ học kĩ thuật và công cụ mới, mà điều quan trọng hơn, để có khả năng nhìn nhận ra vấn đề của mình với tư duy mới, phát huy tính năng động sáng tạo trong việc vận dụng tiến bộ mới vào công việc cụ thể. Trong nền kinh tế thông tin và tri thức, việc đưa tri thức mới vào để nâng hiểu biết chung của xã hội lên là điều kiện tiên quyết cho mọi sự phát triển khác của xã hội.

    Tại Việt Nam, những nghiên cứu khoa học trong tin học đã được chú trọng và đã hình thành lực lượng nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực tin học từ những năm 1970. Tuy nhiên lực lượng sản xuất trong tin học thì vẫn chưa hình thành rõ rệt do các hạn chế của nền kinh tế quốc gia nói chung. Kết quả là cũng như nhiều nước khác, Việt Nam phải sử dụng trực tiếp các sản phẩm CNTT của thế giới qua việc nhập khẩu công cụ và cách làm việc mới.

    Vấn đề sử dụng CNTT trên qui mô quốc gia chỉ mới được bắt đầu từ giữa những năm 1990. Đặc biệt là nghị quyết 49CP của chính phủ và việc hình thành Chương trình quốc gia về CNTT 1996-1999 đã thúc đẩy việc phổ cập máy tính và dùng máy tính trong khu vực quản lí hành chính nhà nước, từ đó tạo ra một nhu cầu mới về dùng máy tính trong các hoạt động quản lí và trong xã hội. Đi kèm với điều này là một đội ngũ nhân viên biết sử dụng máy tính trực tiếp được hình thành và chi tiêu về CNTT trở thành một phần được chấp nhận trong các chi tiêu của các cơ quan, công ti. Mặc dầu đã có những cố gắng của chương trình trong việc đào tạo cho một số người lãnh đạo về việc vạch kế hoạch sử dụng và quản lí dự án CNTT, vấn đề rất cơ bản vẫn chưa được giải quyết đúng tầm mức của nó: Việc nâng nhận biết và trình độ của lớp người lao động ngày nay lên ngang tầm những tiến bộ kĩ thuật và công nghệ mới, để sử dụng hữu hiệu công cụ và phương pháp làm việc mới.

    Mong muốn của các doanh nghiệp CNTT và của một số cấp lãnh đạo quốc gia lúc bước vào thiên niên kỉ mới là phát triển nền công nghiệp phần mềm của Việt Nam để có thể tham gia vào thị trường phần mềm quốc tế. Điều này được thể hiện trong bản dự án về phát triển công nghiệp phần mềm Việt Nam từ năm 2000 - 2005 [6]. Mong muốn này chủ yếu dựa trên việc muốn phát huy khả năng trí tuệ của người Việt Nam để xây dựng một ngành kinh tế mũi nhọn độc lập, tham gia vào thị trường phần mềm toàn cầu. Đó là một mong muốn rất chính đáng nhưng chưa phải là toàn diện các vấn đề mà thực tế Việt Nam đang yêu cầu giải quyết.
     
     

    2. Yêu cầu hiện nay của ngành công nghiệp phần mềm

    Từ cuối những năm 1990, ngành công nghiệp phần mềm thế giới đã phát triển mạnh theo các xu hướng quốc tế hóa và toàn cầu hoá với việc sử dụng ngày càng tăng các công cụ và kĩ thuật mới để tạo ra những sản phẩm mang tính tích hợp hệ thống cao. Yêu cầu hiện nay đối với các sản phẩm phần mềm là chúng phải mang tính quốc tế, tính hệ thống và bảo đảm phát triển lâu dài đáp ứng nhu cầu của người dùng. Mối quan hệ giữa sản xuất phần mềm và dịch vụ phần mềm đã có những thay đổi đáng kể: phần dịch vụ ngày càng tăng do độ phức tạp ngày càng lớn của các sản phẩm mới. Điều này làm cho đội ngũ dịch vụ phần mềm phải tăng lên rất nhiều so với đội ngũ sản xuất phần mềm.

    Đồng thời, tổng thể tri thức về kĩ nghệ phần mềm đã và đang trên đà tiến triển để trở thành một bộ môn độc lập phục vụ cho một nghề mới: nghề kĩ nghệ phần mềm. Đã có nhiều đề nghị phát triển tổng thể tri thức mà người công tác trong ngành này, tức là các kĩ sư phần mềm, cần phải được đào tạo và cần biết tới. Vì lẽ đó, tri thức của một tập thể làm phần mềm phải bao gồm không chỉ các tri thức nền tảng của ngành này mà còn các tri thức thực hành, chẳng hạn như cách làm việc theo tổ, việc triển khai quản lí dự án phần mềm, bảo đảm chất lượng, bảo hành bảo trì hệ thống phần mềm...

    Các nước đang phát triển, nếu muốn bán được sản phẩm phần mềm và trí tuệ của mình ở thị trường quốc tế, bên cạnh đội ngũ chuyên viên làm phần mềm giỏi, cần phải có một đội ngũ hùng hậu về tiếp thị và bảo hành tại những thị trường lớn. Điều này đặt ra những yêu cầu rất lớn về trình độ quốc tế của đội ngũ cán bộ tham gia vào các hoạt động kinh doanh và sản xuất phần mềm. Không phải chỉ cần chú ý tới việc nâng cao trình độ của người sản xuất phần mềm, mà cả trình độ của những nhà công nghệ, của người quản lí, tiếp thị và hỗ trợ khách hàng cũng phải được chú trọng tương xứng.

    Nhu cầu sử dụng phần mềm trong nước cũng đang được nâng cao dần lên về yêu cầu chất lượng song song với đà tiến của phần mềm trên thế giới. Các công ti CNTT lớn thường bán phần mềm đi kèm trong tổng thể giải pháp nghiệp vụ cho cả một cơ quan và tiếp đó, thực hiện các dịch vụ phần mềm để giữ khách hàng lâu dài. Cho nên yêu cầu đối với ngành công nghiệp phần mềm là phải có khả năng tìm kiếm thị trường và nuôi dưỡng phát triển thị trường đó, không chỉ ở ngoài nước mà cả ở trong nước.
     
     

    3. Tình hình triển khai CNTT ở Việt Nam hiện tại

    Nhìn vào tiến trình phát triển xã hội hiện nay, do tác động của kĩ thuật công nghệ, ta thấy:

  • Việt Nam chưa ở vị trí phát minh ra công cụ và cách làm việc mới. Việt Nam chủ yếu tận hưởng những thành tựu mới của tiến bộ công nghệ trong CNTT thế giới thông qua nhập khẩu các thiết bị phần cứng và phần mềm hệ thống, công cụ, ứng dụng.
  • Việt Nam bước đầu tìm cách phổ cập công cụ máy tính vào trong công tác quản lí. Đã bước đầu đào tạo được lớp người dùng máy tính sơ cấp. Trong xã hội đã xuất hiện nhu cầu sử dụng máy tính cho các gia đình bên cạnh nhu cầu sử dụng trong quản lí. Tuy nhiên qui mô và trình độ ứng dụng CNTT trong xã hội còn chưa lớn. Trong những năm qua ứng dụng CNTT mới chỉ ở trong phạm vi quản lí hành chính nhà nước, một khu vực nhỏ nếu so với khu vực toàn bộ ngành kinh tế.
  • Việt Nam thiếu một đội ngũ những chuyên gia am hiểu nghiệp vụ chuyên môn và có hiểu biết về cách sử dụng công cụ xử lí thông tin để từ đó tìm ra cách sử dụng hữu hiệu máy tính trong các hoạt động nghiệp vụ.
  • Việt Nam chưa có đội ngũ chuyên viên CNTT lành nghề đủ sức tham gia vào thị trường phần mềm thế giới.
  • Việt Nam chưa có môi trường thuận lợi cho đa số người tiếp cận tới tri thức chung trên thế giới để có thể giúp hình thành đội ngũ những người sử dụng hữu hiệu CNTT trong các hoạt động nghiệp vụ cũng như các chuyên viên tham gia làm phần mềm
  • Thị trường phần mềm trong nước hiện tại còn nhỏ bé, tuy rằng tiềm năng thì lại lớn, và thị trường phần mềm ngoài nước còn chưa phát triển được là bao.
  • Do đó điều quan trọng cho sự phát triển của xã hội là cần hình thành đội ngũ chuyên gia am hiểu các nghiệp vụ chuyên môn và sử dụng sáng tạo công cụ xử lí thông tin trong các nghiệp vụ đó tại mọi ngành kinh tế, xã hội. Đi kèm với điều đó là hình thành đội ngũ chuyên viên về CNTT để phát triển các sản phẩm đáp ứng đặc thù thị trường Việt Nam và thị trường quốc tế.

    Hiện nay nhiều công ti công nghiệp và tổ chức xã hội đã cảm thấy không thể duy trì cách làm việc cổ điển được nữa, vì sẽ không thích ứng được với xu thế kinh tế tri thức và toàn cầu của thời đại. Họ cũng ý thức được sự xâm nhập ngày càng mạnh mẽ của CNTT vào mọi mặt hoạt động sản xuất và kinh doanh của mình. Nhưng họ rất lúng túng trong việc sử dụng công cụ máy tính trong nghiệp vụ của mình. Có thể nói phương pháp làm việc dùng máy tính hữu hiệu trong các hoạt động nghiệp vụ là vấn đề lớn nhất của mọi tổ chức, công ti hiện nay. Vấn đề này tất yếu gắn liền với vấn đề tái kĩ nghệ và tổ chức lại sản xuất cho từng ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, quản lí, từ nhỏ tới lớn, và không phải dễ dàng thực hiện được ngay cho mọi tổ chức. Việc tái cấu trúc cũng như tổ chức lại sản xuất của các công ti hay các tổ chức bao giờ cũng là những vấn đề rất mới mẻ, chúng ta chưa có hình mẫu chung cho vấn đề này, cho nên cần có một đội ngũ chuyên viên giỏi cả về nghiệp vụ lẫn CNTT để có thể sáng tạo ứng dụng thành công CNTT trong thực tế.

    Thực nghiệm đang được tiến hành tại nhiều nơi để đưa CNTT thành động lực hỗ trợ cho tái kĩ nghệ kinh doanh và sản xuất, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế và chưa có câu trả lời rõ rệt. Tuy nhiên một kết luận rút ra từ thực nghiệm này là tái kĩ nghệ phải đi đôi với việc đào tạo ra lớp cán bộ mới am hiểu và biết sử dụng sáng tạo những tiến bộ mới của thời đại. Và chừng nào Việt Nam chưa giải quyết được vấn đề cơ bản này, thì Việt Nam chưa thể vươn lên được một trình độ mới về quản lí và tổ chức kinh tế, xã hội.
     
     

    4. Thực trạng đội ngũ chuyên viên làm phần mềm ở Việt Nam

    Với những nỗ lực lớn, trong những năm qua Chương trình Quốc gia về CNTT đã đầu tư phát triển 7 khoa CNTT chủ chốt tại các trường đại học chính trên cả nước. Đến cuối năm 2000, tính chung về số lượng cho tất cả các khả năng đào tạo thì Việt Nam sẽ đạt được chỉ tiêu nêu trong Chương trình Quốc gia về CNTT (gồm các kĩ sư tin học và người tổ chức triển khai cũng như vận hành các dự án tin học hoá chủ yếu - chiếm hơn 10% kinh phí của Chương trình). Nhưng về chất lượng, theo nhận định chung, Việt Nam chưa hình thành được đội ngũ chuyên viên đáp ứng yêu cầu mong muốn cho việc tham gia vào sản xuất phần mềm vì nhiều lí do. Tri thức về kĩ nghệ phần mềm chưa được xây dựng thành giáo trình để dạy cho sinh viên. Xu thế đào tạo sinh viên vẫn là dạy lập trình cổ điển, với ngôn ngữ Pascal là trọng tâm, sau đó có thêm các ngôn ngữ lập trình C và C++. Cho đến giờ, khi nói đến phát triển phần mềm, tư duy về lập trình đã trở thành chủ yếu không chỉ trong cấp đại học mà còn ở cả cấp phổ thông và hình thành cách hiểu tin học chuyên nghiệp là lập trình. Một số giáo trình về phân tích và thiết kế hệ thống đã được dạy trong các đại học cho sinh viên năm cuối, nhưng thiếu thực hành cụ thể trong điều kiện dự án phần mềm tầm cỡ lớn. Các ý niệm và phương pháp mang tính hệ thống chưa có điều kiện để thấm nhuần và phát huy.

    Với việc được đào tạo như vậy, người được đào tạo từ các đại học của Việt Nam hiện nay chưa sẵn sàng đáp ứng được yêu cầu quốc tế về kĩ sư phần mềm trong các ứng dụng công nghiệp. Họ thiếu nhiều điều kiện tiếp cận với những vấn đề mới và hiện đại của sản xuất công nghiệp phần mềm cũng như các kĩ năng thực hành trong việc triển khai tiến trình sản xuất phần mềm. Nói riêng, những vấn đề liên quan tới việc tổ chức sản xuất phần mềm, quản lí chất lượng, tìm kiếm thị trường, hỗ trợ khách hàng đều chưa có trong hành trang của sinh viên tốt nghiệp về tin học.

    Do đó, các doanh nghiệp khi sử dụng đội ngũ sinh viên đã tốt nghiệp bắt buộc phải đào tạo thêm để họ thích ứng với đòi hỏi cụ thể của lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Nhưng các doanh nghiệp một mặt phải kinh doanh để tồn tại, mặt khác cũng chưa có điều kiện tiếp xúc với các đòi hỏi mới của CNTT trên thế giới, nên những đào tạo thêm này cũng mới chỉ đáp ứng cho nhu cầu trước mắt của doanh nghiệp chứ chưa đáp ứng được yêu cầu quốc tế trong lĩnh vực này. Có thể nói là tổng thể tri thức phần mềm cũng đang là một thứ đơn đặt hàng của khách hàng và doanh nghiệp công nghiệp phần mềm tại Việt Nam.

    Nhìn vào thị trường phần mềm trong nước có thể thấy rõ một điều là đã xuất hiện những phần mềm chuyên dụng tốt liên quan tới các đặc thù tiếng Việt và các ứng dụng quản lí loại nhỏ. Đã xuất hiện nhiều công ti CNTT trong nước nhằm vào lĩnh vực làm ra các phần mềm như vậy. Nhưng một điều mà đa số các công ti phần mềm đều thừa nhận là họ chưa thể thực sự có lãi và phát triển vững mạnh nhờ chỉ vào các hoạt động làm phần mềm, họ vẫn phải tồn tại dựa trên nhiều việc kinh doanh khác. Ngoài việc dễ thấy là vi phạm tác quyền, sao chép tự do phần mềm làm mất đi lợi nhuận đối với các sản phẩm phần mềm phổ cập, lí do cơ bản hơn là họ chưa có một thị trường đủ lớn, do sự phát triển chưa mạnh của nhu cầu này trong xã hội cung như trong chi tiêu của các cơ quan về CNTT.

    Do thị trường phần mềm trong nước còn chưa phát triển, các công ti trong nước có khuynh hướng mong muốn mở rộng thị trường ra nước ngoài, thực hiện xuất khẩu phần mềm cho những công việc cụ thể, mang tính bộ phận, lập trình cụ thể để tham gia vào thị trường thế giới. Điều này thích ứng với việc làm gia công, làm thuê, hay xuất khẩu chất xám trong một khuôn khổ nhất định của các công ti phần mềm quốc tế khác, và do đó chưa đáp ứng được yêu cầu của ngành công nghiệp phần mềm cho sự phát triển quốc gia. Tư duy làm ăn nhỏ vẫn còn thể hiện rõ trong khía cạnh này.

    Có thể thấy một thực tế khác trong thị trường phần mềm cỡ lớn trong nước là nhiều dự án phần mềm lớn trong nước, trị giá nhiều triệu đô la (thí dụ như của các tổ chức ngân hàng, tài chính), phần lớn lại lọt vào tay các công ti phần mềm nước ngoài thực hiện, các công ti phần mềm trong nước hầu như không có khả năng cạnh tranh. Điều này bộc lộ yếu kém của trình độ phát triển các phần mềm có tính hệ thống và qui mô lớn của lực lượng làm phần mềm trong nước. Điều này cũng chứng tỏ tư duy làm ăn lớn kiểu công nghiệp chưa tồn tại trong các công ti làm phần mềm của chúng ta, và chúng ta cần học hỏi nhiều hơn nữa trong vấn đề tổ chức sản xuất công nghiệp phần mềm này.

    Việc đáp ứng cho nhu cầu phần mềm trong nước không chỉ dừng lại ở việc thoả mãn những gì mà đòi hỏi trước mắt của thực tế đang đặt ra, trái lại, nó còn phải mang tính chất của thời đại, và do đó các chuẩn mực phần mềm quốc tế cần được tuân thủ. Điều này đưa tới việc ngành công nghiệp phần mềm nội địa cần được phát triển một cách bài bản, qui mô, giành được thị trường trong nước trong các dự án tầm cỡ lớn. Đó sẽ là sân tập tốt cho để tiến tới đáp ứng nhu cầu phần mềm quốc tế cho các dự án quốc tế. Đương nhiên các hoạt động như làm gia công, làm thuê, xuất khẩu chất xám cho các công ti phần mềm quốc tế, nếu có thể thực hiện được ở đâu, thì cũng vẫn là những điều nên làm và tham gia. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là toàn bộ ngành công nghiệp phần mềm của chúng ta chỉ làm những điều như vậy.
     
     

    5. Công nghiệp phần mềm (software industry)

    Mối quan tâm của giới các công ti CNTT và một số nhà lãnh đạo về CNTT hiện tại đang dồn vào việc hình thành ngành công nghiệp phần mềm cho Việt Nam. Đương nhiên đây là một ý đồ tốt và là một mong muốn chiến lược, nhưng còn nhiều nhân tố ảnh hưởng tới sự thành công của quyết tâm chiến lược này.

    Công nghiệp phần mềm bao gồm nhiều yếu tố: vốn, nhân lực, tri thức, tổ chức, môi trường, khách hàng, thị trường. Công nghiệp phần mềm sử dụng tiềm năng nhân lực có tri thức, kết hợp với vốn và các tài nguyên khác để chế tạo ra các sản phẩm phần mềm đáp ứng cho nhu cầu của xã hội và của quốc tế. Công việc sản xuất chế tạo này được thực hiện trong các tổ chức, thường là các công ti CNTT, và trong môi trường thuận lợi cho mọi trao đổi về thông tin và tri thức. Kết quả của quá trình sản xuất này là những sản phẩm phần mềm riêng lẻ hay trọn gói, hay các hệ thống ứng dụng đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

    Vốn dành cho sự phát triển công nghiệp phần mềm là vốn của các tổ chức kinh tế, vốn cá nhân, hay vốn đầu tư ban đầu của nhà nước để giúp tạo môi trường thuận lợi.

    Nhân lực tham gia vào ngành công nghiệp phần mềm là những chuyên viên tham gia các hoạt động sản xuất phần mềm trực tiếp, các nhân viên dịch vụ và tiếp thị, những người quản lí các cấp cho tiến trình phát triển phần mềm.

    Tri thức đòi hỏi trong lĩnh vực mới mẻ này là các tri thức về kĩ nghệ phần mềm, tri thức về tin học nói chung và tri thức về những đặc thù của từng ngành ứng dụng.

    Tổ chức ở đây nói tới việc kết hợp các nhân viên trong lĩnh vực này trong những công ti làm phần mềm và dịch vụ mạnh, có uy tín, để thực hiện các chức năng sản xuất và hỗ trợ sử dụng sản phẩm phần mềm.

    Môi trường cho công nghiệp phần mềm nói tới các điều kiện về trụ sở, nhà cửa, trang thiết bị tính toán, dịch vụ viễn thông, các qui định về luật pháp, thuế khoá và bản quyền thuận tiên cho sản xuất và dịch vụ phát triển.

    Khách hàng là một nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp này. Khách hàng trong nước cần được huấn luyện và đào tạo không những biết về những công cụ mới, sản phẩm phần mềm, sản phẩm CNTT mới mà còn phải am hiểu nghiệp vụ của mình để có thể đề ra yêu cầu cho ngành công nghiệp này đáp ứng.

    Vấn đề xây dựng và phát triển một thị trường mạnh cho các sản phẩm phần mềm là điều kiện rất cơ bản cho việc phát triển của lực lượng làm phần mềm. Thị trường này bao gồm cả thị trường trong nước và ngoài nước. Thị trường trong nước sẽ là cơ sở và nền tảng để góp phần nâng cao hiệu suất của các ngành kinh tế khác, mặt khác là động lực cho chính ngành công nghiệp này phát triển. Thị trường này phụ thuộc vào việc đầu tư cho nhu cầu CNTT của tất cả các tổ chức hành chính, kinh tế, xã hội. Thị trường ngoài nước phụ thuộc vào việc tiếp cận và khai thác được tới đâu trên thị trường phần mềm thế giới.

    Như vậy để phát triển được nền công nghiệp phần mềm cần thoả mãn một số tiền đề:

  • Có kế hoạch chi tiêu thường xuyên về CNTT của các công ti, cơ quan
  • Có lực lượng người sử dụng cao cấp về phần mềm tại các cơ quan (am hiểu nghiệp vụ và biết cách sử dụng CNTT phục vụ cho nghiệp vụ)
  • Có lực lượng người sản xuất phần mềm và làm dịch vụ phần mềm đáp ứng cho các nhu cầu xã hội và quốc tế
  • Có lực lượng người làm tiếp thị phần mềm để mở rộng thị trường
  • Có chính sách khuyến khích phát triển thị trường phần mềm trong và ngoài nước
  • Có môi trường tri thức về phần mềm gắn với sự phát triển của phần mềm trên thế giới
  • Có sự hợp tác quốc tế chặt chẽ với các công ti CNTT quốc tế
  • Tóm lại, Công nghiệp phần mềm là một ngành kinh tế nhằm nghiên cứu, xây dựng và sản xuất ra các sản phẩm phần mềm hay các hệ thống dựa trên phần mềm cũng như triển khai các dịch vụ liên quan nhằm hỗ trợ cho quá trình phát triển và kinh doanh các sản phẩm/ hệ thống phần mềm. Để phát triển Công nghiệp phần mềm cần:
  • nắm được (hay tạo ra) một thị trường phần mềm lớn phù hợp với tiềm năng quốc gia
  • nắm vững và vận dụng tốt các tri thức lí thuyết và thực hành được cập nhật thường xuyên về kĩ nghệ phần mềm (bao gồm kiến thức tin học nền tảng và các tri thức nghiệp vụ liên quan, các kĩ thuật hay công cụ cần thiết để làm ra sản phẩm phần mềm hay hệ thống ứng dụn, các kĩ năng về tổ chức, quản lí qui trình sản xuất...)
  • đảm bảo các dịch vụ hỗ trợ có hiệu quả để tìm kiếm, duy trì và phát triển thị trường
  • 6. Kĩ thuật - Công nghệ - Kĩ nghệ - Công nghiệp phần mềm

    Để có tính hệ thống trong quá trình xem xét vấn đề liên quan tới phần mềm, cần phân biệt về quan niệm một số thuật ngữ và khái niệm chung: công nghiệp phần mềm, kĩ nghệ phần mềm, công nghệ phần mềm, và kĩ thuật.

    Kĩ thuật (technique) có nghĩa hẹp nhất chỉ ra một cách thức tiến hành một công việc nào đó - kĩ thuật phần mềm bao gồm các kĩ thuật như kĩ thuật viết hệ điều hành, kĩ thuật làm chương trình điều khiển v.v.

    Công nghệ (technology), được hiểu (theo đúng nguyên nghĩa của hai tiếp vĩ ngữ ..ogy và ..ique) như một tập hợp các kĩ thuật dùng trong một ngành nào đó, có một cơ sở khoa học thống nhất. Công nghệ phần mềm được hiểu gồm nhiều loại công nghệ tạo ra phần mềm khác nhau, mỗi công nghệ có thể có nhiều kĩ thuật làm chương trình khác nhau. Nói riêng công nghệ thông tin gồm một số vấn đề của công nghệ điện tử, công nghệ viễn thông, công nghệ phần mềm... được gắn với nhau qua các chuẩn và được con người am hiểu những công nghệ đó sử dụng.

    Kĩ nghệ (engineering) là việc sử dụng phối hợp các công nghệ cần thiết để sản xuất ra các sản phẩm của một ngành nào đó (nguyên nghĩa từ kĩ nghệ cơ khí, engine là một cái máy).

    Cuối cùng công nghiệp (industry) là chữ bao trùm cả một ngành lớn, trong đó bên cạnh yếu tố kĩ nghệ còn có thêm những khía cạnh kinh tế, tài chính, tổ chức xã hội v.v. Chẳng hạn trong công nghiệp xe hơi, kĩ nghệ (sản xuất) - sản xuất để trong ngoặc vì kĩ nghệ là đã hàm ý sản xuất rồi - xe hơi sử dụng đến cả các kĩ thuật đúc, hàn ... của công nghệ cơ khí đến kĩ thuật làm lốp xe của công nghệ cao su ...

    Nhưng trong Công nghiệp phần mềm thì kĩ nghệ với công nghệ không khác nhau mấy, vì kĩ nghệ phầm mềm không dùng đến các kĩ thuật gì khác hơn là kĩ thuật của công nghệ phần mềm. Cái khác là cách nhìn, cách nhìn kĩ nghệ bao trùm hơn, như tài liệu SWEBOK [1] cho thấy. Khía cạnh công nghệ thường là cách thức kĩ thuật để tạo ra những sản phẩm cụ thể (có thể xem như đó là định nghĩa của phần nền tảng tin học - computing fundamentals - trong tài liệu về tổng thể tri thức về kĩ nghệ phần mềm SWEBOK) đã và đang được dạy tại các đại học, còn các khía cạnh khác của kĩ nghệ phần mềm, cho đến bây giờ vẫn là dùng các xemina ngắn ngày để bổ sung và dùng "việc huấn luyện trong công việc" là chủ yếu, nói tới việc thực hành các tiến trình sản xuất phần mềm theo qui tắc, kỉ luật và bài bản.

    Với sự phát triển mạnh mẽ của CNTT, ngày nay người ta đã gần như đi tới thống nhất về việc hình thành một bộ môn mới là kĩ nghệ phần mềm (software engineering) với những đặc trưng của một nghề chuyên nghiệp. Kĩ nghệ phần mềm đuợc hiểu là các tiến trình có kỉ luật và định lượng để phát triển, vận hành và bảo trì các hệ thống sử dụng nhiều tới phần mềm. Kĩ nghệ phần mềm tập trung vào công nghệ phần mềm, các tiến trình, cách đo, hiệu suất, tính đúng hạn và chất lượng của phần mềm. Kĩ nghệ phần mềm gồm phần tri thức nền tảng, tức là công nghệ phần mềm, và phần tri thức thực hành, tức là những tri thức nhằm vào các khía cạnh quản lí, bảo đảm chất lượng...
     
     

    7. Đào tạo nguồn nhân lực CNTT

    Để tận dụng dược những thành tựu khoa học công nghệ của thế giới được cụ thể hoá trong các máy tính và mạng lưới hiện đại, tất cả các cơ quan đều cần có cán bộ chủ chốt am hiểu về nghiệp vụ của mình và biết sử dụng hữu hiệu CNTT trong nghiệp vụ đó. Họ mới là những người có khả năng quyết định việc sử dụng ngân sách cho phát triển tổ chức nói chung, sử dụng CNTT nói riêng trong nội bộ cơ quan, chứ không phải là đội ngũ nhân viên chỉ biết dùng CNTT cụ thể. Vấn đề cơ bản là làm sao tạo ra được đội ngũ cán bộ với yêu cầu về trình độ như vậy trong mọi tổ chức kinh tế và xã hội. Việc đào tạo cho họ không phải nhằm vào việc dậy sử dụng máy tính cụ thể mà phải làm cho họ có con mắt hệ thống để tích hợp hữu hiệu CNTT vào nghiệp vụ của riêng mình. Thị trường CNTT trong nước cũng chỉ phát triển được một cách vững chắc trên cơ sở có những khách hàng CNTT kiểu này phổ biến ở khắp nơi. Nhưng cũng phải thấy rằng để có được đội ngũ này, cần phải mất nhiều năm đào tạo huấn luyện một lớp người mới.

    Mặt khác, nhân lực trong CNTT cũng còn bao hàm cả những người hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp CNTT, nói riêng là công nghiệp phần mềm, từ những người trực tiếp tham gia các nhóm, tổ, dự án phát triển phần mềm (các kĩ sư thực hành) cho tới những người làm công tác quản lí việc phát triển phần mềm, những người làm công tác tiếp thị và bảo hành, hỗ trợ sản phẩm, những người làm dịch vụ sau khi bàn giao sản phẩm... Cho tới nay, đa phần những người này đều tham gia các công ti CNTT hoặc các cơ sở nghiên cứu chuyên môn về CNTT. Tất cả những người trong đội ngũ này cần có những tri thức và hiểu biết tối thiếu ở tầm mức quốc tế thì mới có thể tham gia hữu hiệu vào việc chế tạo sản phẩm đáp ứng cho thị trường quốc tế và trong nước. Như vậy có thể thấy có ba loại chuyên viên cần được đào tạo với trình độ quốc tế để phục vụ cho sản xuất phần mềm: chuyên viên kĩ thuật, chuyên viên quản lí, chuyên viên tiếp thị và dịch vụ.

    Việc đào tạo lực lượng nhân viên sử dụng CNTT thông thường không được đề cập tới ở đây, vì điều đó vẫn được thực hiện trong xã hội và vẫn phát triển theo nhu cầu của nền kinh tế. Các tổ chức đào tạo hiện nay về CNTT hoàn toàn có khả năng đáp ứng cho những nhu cầu này.

    Tóm lại, lực lượng lao động sản xuất ra phần mềm thực sự chỉ là một phần nhỏ so với lực lượng sử dụng CNTT, cả về số lượng cũng như về tác động với toàn bộ nền kinh tế. Vấn đề đặt ra cho việc phát triển nguồn nhân lực CNTT ở Việt Nam như vậy sẽ phải bao gồm các mảng chính:

  • đào tạo người sử dụng CNTT trình độ cao biết ứng dụng CNTT trong nghiệp vụ riêng
  • đào tạo các chuyên viên tham gia vào tiến trình sản xuất phần cứng, phần mềm phục vụ cho các nhu cầu xã hội.
  • đào tạo các chuyên viên tiếp thị phần mềm

  • 8. Đào tạo người sử dụng CNTT trình độ cao

    Như đã trình bầy ở trên, hai nhóm người sản xuất ra công cụ và sử dụng công cụ là hai đối tác luôn đi kèm với nhau để thúc đẩy việc có những công cụ tốt hơn phổ cập trong toàn xã hội. Nếu không có nhóm người mong muốn sử dụng máy tính và phần mềm trong công việc của họ thì nhóm người làm ra phần mềm không thể tồn tại được. Và nhóm người sử dụng CNTT, nếu không được huấn luyện và đào tạo để có trình độ cao, không biết dùng những thành tựu mới nhất của CNTT, thì không thể đưa ra được yêu cầu cho những người làm kĩ thuật CNTT đáp ứng. Khi đó trình độ chung của xã hội sẽ bị kìm hãm tại một điểm nào đó.

    Do vậy, ngoài việc đội ngũ người sử dụng CNTT trình độ cao này là rất quan trọng cho việc nâng chất lượng nghiệp vụ và quản lí của mọi tổ chức lên một tầm mức mới, thì đội ngũ này cũng là đối trọng để thúc đẩy có được đội ngũ người làm CNTT, làm phần mềm chuyên nghiệp phát triển. Cho tới nay, chưa có những trường lớp đào tạo cho những người này. Hầu hết các chuyên viên hiện nay giữ trách nhiệm xây dựng và phát triển hệ thống CNTT trong các cơ quan đều hoặc là các chuyên viên nghiệp vụ tự học thêm về CNTT, hoặc là các chuyên viên về CNTT tự tìm hiểu thêm về các vấn đề nghiệp vụ. Do đó có một nhu cầu rất lớn là trang bị cho đội ngũ các chuyên viên này những tri thức cần thiết cả về CNTT lẫn nghiệp vụ chung như quản lí, tái kĩ nghệ kinh doanh, tổ chức...

    Để thúc đẩy việc qui hoạch hoá và đào tạo đội ngũ chuyên viên này, cần thiết phải có các qui định về một số ngạch công chức liên quan tới hệ thống tin và CNTT, tương ứng với chức vụ CIO (Chief Information Officer) và các chức vụ liên quan có tại nhiều nước khác. Các yêu cầu về phẩm chất và năng lực cùng trình độ tri thức và hiểu biết liên quan phải được xác định rõ.

    Mặt khác, cần phát triển một số trường lớp đào tạo cho nguồn nhân lực này, đi kèm với việc xây dựng hệ thống giáo trình hiện đại. Trong khi chưa có hệ thống đào tạo chính qui, có thể khuyến khích một số công ti hình thành các trung tâm đào tạo nâng cao đáp ứng cho nhu cầu này. Cần phải thấy một điều là chừng nào người tiêu dùng còn chưa có yêu cầu cao về sản phẩm cần cho mình thì người cung ứng cũng không vội vàng gì tự buộc mình phải tuân thủ các qui định ngặt nghèo cho sản phẩm của mình. Và bao giờ cũng vậy, nếu chưa có sự phát triển của nhu cầu thì những người cung ứng sản phẩm cho nhu cầu đó không thể tồn tại được. Việc hình thành lớp người mới với nhu cầu mới về sử dụng CNTT là điều kiện thúc đẩy cho sự phát triển của chính ngành CNTT.

    Việc đào tạo chuyên viên sử dụng CNTT trình độ cao này cần gắn liền với các dự án thay đổi cách quản lí, tái kĩ nghệ và tái cấu trúc lại các tổ chức để thực sự phát huy được tác dụng của CNTT. Đội ngũ này sẽ chính là những người kiểm tra, đánh giá và định hướng cho việc phát triển các ứng dụng CNTT nói riêng, sự phát triển của công nghiệp phần mềm trong nước nói chung, sự phát triển của lực lượng chuyên viên làm phần mềm. Do vậy việc hình thành cách làm việc bài bản, với yêu cầu có tư liệu đầy đủ cho từng bước triển khai công việc là một yêu cầu lớn với đội ngũ chuyên viên nghiệp vụ.

    Tài liệu tham khảo trong lĩnh vực này là rất cần thiết để giúp cho nhiều người có khả năng tiếp cận tới khối lượng tri thức mới, vốn chưa có sẵn trong các trường dại học. Nội dung chính cho việc đào tạo các chuyên viên thuộc loại này bao gồm các vấn đề tổng quan về phương pháp luận hệ thống, phân tích và mô tả hệ thống nghiệp vụ, sự phát triển và ứng dụng của CNTT, các vấn đề về tái kĩ nghệ kinh doanh và tái cấu trúc tổ chức, các vấn đề về quản lí con người, kĩ thuật, dự án trên nền tảng ứng dụng CNTT...
     
     

    9. Đào tạo chuyên viên kĩ nghệ phần mềm

    Đào tạo chuyên viên kĩ nghệ phần mềm vẫn là một trong những mối quan tâm chính hiện nay của nhiều công ti CNTT và của nhà nước. Việc đào tạo này hiện nay nằm trong phạm vi đào tạo nghề nghiệp chuyên sâu, vốn chưa có trong các chương trình đào tạo ở đại học trong nước. Việc đào tạo này cũng cần gắn liền với các hoạt động thực tế xây dựng và phát triển phần mềm đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế và xã hội.

    Do việc chưa có sẵn hệ thống đào tạo chuyên nghiệp về kĩ nghệ phần mềm này cho nên cần có những đầu tư và biện pháp tổ chức thích đáng của nhà nước để hỗ trợ cho sự phát triển chung. Đại đa số các tri thức trong lĩnh vực này cần được nhập khẩu từ các trung tâm kĩ nghệ phần mềm trên thế giới, với những sửa đổi thích đáng cho phù hợp hoàn cảnh Việt Nam. Nói chung chúng ta cần xây dựng từ đầu hệ thống giáo trình, bài giảng cho tới các bài tập lớn, các dự án mẫu dành cho việc huấn luyện. Trong thời gian đầu cần phải mời một số chuyên gia quốc tế về kĩ nghệ phần mềm để giảng dạy các giáo trình cơ bản cho đội ngũ giáo viên mới.

    Vấn đề đặt ra là đào tạo ngay một số lượng lớn các chuyên viên kĩ nghệ phần mềm thì ích lợi sẽ như thế nào với nền kinh tế nói chung? Khi mà nền kinh tế còn chưa đủ sức mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp cho những người có tay nghề khá, thì lực lượng lao động này bắt buộc phải kiếm việc ở các thị trường khác, làm việc cho các công ti nước ngoài... Nói cách khác, đó là vấn đề xuất khẩu chất xám mà nhiều người vẫn hay đề cập tới. Điều này có nghĩa là mất nhiều công sức đào tạo ra các chuyên viên trình độ cao, nhưng các chuyên viên này lại phục vụ cho một môi trường, một quốc gia hoàn toàn khác và trước mắt chưa giúp ích gì cho sự phát triển của nền kinh tế nội địa. Nếu chúng ta chấp nhận vấn đề này để có thể trông đợi trong tương lai, khi mà những người đó có thể quay về với một nền kinh tế trong nước đủ điều kiện hơn, thì phải chấp nhận việc xuất khẩu chất xám đó xem như một chủ trương có suy tính. Nhưng như vậy thì việc đào tạo, muốn có hữu ích cho sự phát triển nội lực trong nước để đẩy nền kinh tế lên, không thể chỉ giới hạn trong phạm vi đào tạo các chuyên viên về kĩ nghệ phần mềm, mà dứt khoát phải trù tính chu đáo cho việc đào tạo người dùng cao cấp trong nước.

    Việc lựa chọn đội ngũ giáo viên cho hệ thống đào tạo kĩ nghệ phần mềm này là điều rất quan trọng và cần thiết cho các bước phát triển tiếp. Việc tuyển chọn học viên tiếp cho các trung tâm đào tạo này sẽ tuỳ thuộc vào mức độ nhu cầu của các công ti CNTT nói chung, sự phát triển của thị trường phần mềm nói riêng.

    Một môi trường phổ biến tri thức mới và hiện đại về kĩ nghệ phần mềm là cần thiết phải được tạo ra. Tình trạng thiếu thốn sách báo trong tiếng Việt về những lĩnh vực tri thức mới này là hạn chế nghiêm trọng cho việc phổ biến về kĩ nghệ phần mềm.

    Về nội dung cụ thể cho việc đào tạo chuyên viên về kĩ nghệ phần mềm, có thể tham khảo tài liệu về tổng thể tri thức kĩ nghệ phần mềm [SWEBOK]. Tổng thể tri thức kĩ nghệ phần mềm là những tri thức cần thiết mà một người cần phải biết được để có thể hành nghề như một kĩ sư phần mềm trong ngành kĩ nghệ này. Kĩ nghệ phần mềm bao gồm các phạm trù tri thức:

  • Nền tảng tin học: tri thức, khái niệm, lí thuyết, nguyên tắc, phương pháp, kĩ năng
  • Kĩ nghệ làm ra sản phẩm phần mềm : tập các hoạt động, công cụ tạo ra sản phẩm đúng đắn, nhất quán, hiệu quả
  • Quản lí tiến trình phần mềm : các khái niệm, phương pháp và kĩ thuật để quản lí sản phẩm và dự án phần mềm.
  • Miền ứng dụng phần mềm : trí tuệ nhân tạo, hệ cơ sở dữ liệu, tương tác người - máy, tính toán số và kí hiệu, mô phỏng máy tính, tiếp nhận phần mềm, hệ thông tin quản lí.
  • Việc đào tạo cần được triển khai theo đủ hai thành phần chính: giảng dạy các khái niệm và tri thức mới về mặt lí lụân, lí thuyết; đào tạo, kèm cặp thực hành vận dụng các tri thức này trong hoạt động sản xuất phần mềm mềm: tham gia vào việc thực hiện các dự án phần mềm lớn trong nước và quốc tế.
     
     

    10. Kết luận

    Từ những xem xét ở trên, một điều cần nhấn mạnh là trong khi dồn nỗ lực chính để hình thành đội ngũ chuyên viên tham gia vào ngành công nghiệp phần mềm, vẫn phải dành nỗ lực cho việc hình thành đội ngũ người sử dụng cao cấp ở các công ti, cơ quan. Nội lực của các ngành kinh tế trong nước thực sự chỉ được nâng lên khi những con người trong mọi cơ quan đều được trang bị đủ tri thức về ứng dụng của CNTT trong nghiệp vụ của mình. Nếu thiếu yếu tố này thì cho dù chúng ta có đào tạo ra được nhiều người làm phần mềm rất giỏi, đà tiến của cả nền kinh tế nói chung vẫn chậm, và những chuyên viên thuộc loại này chưa thể có những đóng góp tích cực hiện thời.
     
     
     
     

    Tài liệu tham khảo
     
     

  • [SWEBOK]Tổng thể tri thức kĩ nghệ phần mềm. Phiên bản 1.0 (Bản dịch tài liệu A Software Engineering Body of knowledge Version 1.0 4/1999)
  • Hướng dẫn về đào tạo Kĩ nghệ phần mềm. Phiên bản 1.0 (Bản dịch tài liệu Guidelines of Education on Software Engineering. Version 1.0, 10/1999)
  • Giáo trình tin học 2001 - Bản thảo. (Bản dịch tài liệu Computing Curricula 2001 - Draft, The Joint Task Force on Computing Curricula, 6/3/2000) http://www.acm.org
  • Guide to the Software Engineering Body of Knowledge, Stone man Version -SWEBOK, (Version 0.6) A project of the Software Engineering Coordinating Committee, 1/2000)
  • Industry Software Engineering Course, Vietnam-Canada Information Technology Project, Eldon Wig, Intellitec Consulting Inc., Hanoi, 10/1999
  • [DAPTCNPMVN]Dự án phát triển công nghiệp phần mềm Việt Nam, giai đoạn 2001-2005, Chương trình kỹ thuật – kinh tế về CNTT, bản năm 1999 và bản năm 2000
  • Dự thảo Kế hoạch tổng thể về CNTT trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2000-2005, Bộ giáo dục và đào tạo, 3-2000
  • Chương trình đào tạo Trung tâm phát triển CNTT, Đại học quốc gia Tp HCM
  • Chương trình đạo tạo tin học của AFTECH, công ty FPT
  • Dự án hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp phần mềm năm 2000, Ban quản lí khu công nghiệp cao Hoà Lạc, Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường, 3/2000
  • Trao đổi email với Hà Dương Tuấn về SWE-BOK, chuyên gia tin học tại Pháp